'Dám làm người tốt'
19/08/2021
Lê Việt Cường là con người rất đặc biệt, tốt bụng nhất trong những người tốt bụng mà tôi từng được biết. Sáng nay, Cường lặn lội từ Hà Đông, chạy con xe ba bánh tự chế, len lỏi qua những phố xá tắc nghẽn vì cơn mưa lớn, để đến dự hội thảo về công nghiệp văn hóa, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức. Cường đại diện cho hợp tác xã VỤN Art, doanh nghiệp xã hội duy nhất được mời viết tham luận ở hội thảo, bên cạnh những quan chức cao cấp, các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và các doanh nhân sáng tạo đã thành danh. Đêm qua, Cường cùng với 18 người thợ khuyết tật của mình phải ráng làm cho xong lô hàng quan trọng, nguồn thu nhập khiêm tốn cho doanh nghiệp vẻn vẹn 2 năm tuổi.
Có đến 5 bài tham luận trong hội thảo nhắc đến Vụn, nhiều người phát biểu nhắc đến Vụn, như một hình mẫu doanh nghiệp tạo ra tác động xã hội cao nhất, mặc dù hiệu quả kinh tế còn nhỏ bé. Tôi còn nhớ hình ảnh nụ cười của một cô bé thiểu năng trí tuệ trên VTV3 nói rằng cô ấy làm ở Vụn thật vui, dù chỉ làm được có một động tác là ép vải lên bìa làm tranh. Một người thợ ngọng nghịu nói anh ấy cảm thấy có ích, khi làm ra những sản phẩm tuyệt đẹp. Một người mẹ đã khóc, khi thấy đứa con tưởng chừng bỏ đi của mình tìm được lẽ sống khi trở thành công nhân ở Vụn...
Với những ai chưa biết, Vụn Art là xưởng sản xuất sản phẩm thủ công của người khuyết tật, với sản phẩm lõi là tranh ghép vải. Mới đầu, Vụn tập trung làm tranh, lấy cảm hứng từ tranh dân gian. Qua thời gian tự tìm tòi và nghiên cứu, giờ đây Vụn sản xuất áo thun, túi tote, ví, và nhiều thứ đáng yêu khác nữa, và bắt đầu làm ra những mẫu thiết kế độc đáo, đầy tính nghệ thuật. Nguyên liệu của Vụn là lụa Vạn Phúc, sản phẩm truyền thống tưởng chừng sẽ thất truyền với làn sóng hàng rẻ tiền từ Trung Quốc. Tôi vẫn nói đùa rằng, Vụn làm cho làng lụa Vạn Phúc ấm lại, nhiều người biết đến hơn, và lụa Vạn Phúc lại hồi sinh.
Mỗi dịp hiếm hoi ngồi với nhau bên ly cà phê, Cường bảo: “Ước mơ duy nhất của em là người khuyết tật có việc làm. Họ cần được sống như những người bình thường, cần được thấy mình có ích”. Hà Nội có khoảng hơn 100 ngàn người khuyết tật, hơn 40% trong số đó không có việc làm. Có thể họ chưa tìm được việc gì phù hợp, cũng có thể là vì họ không dám tự tin bước ra cuộc sống. Với tư cách là Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Đông, Cường lặn lội đi từng nhà, từng gia đình, vận động người khuyết tật đi làm. Không có nghề thì Cường dạy, thuê người về dạy. Đã có nhiều gia đình tìm đến Vụn, xin cho con em họ được làm việc, và đứng xa xa nhìn con em mình dần dần hòa đồng, dần dần tìm thấy nụ cười hạnh phúc.
Đặc biệt, phần lớn người khuyết tật rất nghèo. Cường bảo: “Em chỉ mong một ngày Vụn thành công, để mỗi tháng em trích tiền làm học bổng cho các cháu con em người khuyết tật. Chỉ 350 ngàn đồng mỗi cháu mỗi tháng thôi anh ạ, thế mà giúp họ được nhiều lắm”. Bây giờ, chưa thể có được quỹ học bổng của riêng mình, Cường đi xin. Tự tay Cường làm hồ sơ, xin được 30 suất học bổng cho con em người khuyết tật Hà Đông, từ một quỹ thiện nguyện Hàn Quốc. Nhìn Cường, ông chủ tịch Quỹ tin và cho ngay, nhưng đặt một điều kiện: Cường phải tự tay chuyển học bổng cho từng cháu, mỗi tháng. Thế là, tháng nào cũng thế, Cường lọc cọc con xe 3 bánh cà tàng, lặn lội hàng chục cây số, đến từng gia đình, trao số tiền ít ỏi, nhưng ấm lòng, cho từng cháu bé, cho đến ngày 18 tuổi.
Có hôm tôi thấy Cường mệt nhoài, mặt đen nhẻm bụi đường, tập tễnh khoe vừa đi giao hàng cách xa đến 20 cây số. Một chị khách hàng đặt riêng một cái túi, giá trị chưa tới 400 ngàn đồng. Tôi bảo: Sao em không thuê ship hàng cho đỡ khổ? Cường cười hiền: “Thôi anh ạ. Tiết kiệm cho khách hàng được chừng nào hay chừng ấy”. Tim tôi như thắt nghẹn lại. Người tốt chỉ sợ thiệt cho người khác thôi, trong khi, sức khỏe của người tàn tật lúc nào cũng như ngọn đèn trước gió.
Có lần, Cường kể, đi phát học bổng, từng bị một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Đông đuổi ra khỏi cửa, vì sợ mang bệnh vào phòng của bà ấy. Lần khác, để chụp ảnh báo cáo cho quỹ từ thiện Hàn Quốc, Cường đến gặp một cô bé học rất giỏi, nhưng cũng như bố, bị lùn do không phát triển tuyến giáp, một cô giáo đi ngang qua, buông một lời bình luận khiếm nhã về vóc dáng của cô bé, Cường đã phản ứng: “Cô ạ, người ta chỉ sợ lùn về nhân cách thôi”.
Bản tính cương trực và thẳng thắn của Cường đôi khi làm người khác hiểu lầm. Trên tất cả, tôi hiểu, nó là minh chứng cho một tinh thần phi vụ lợi mà không phải ai cũng có. Bị tật từ khi lên 1 tuổi, di chứng của bệnh bại liệt quái ác, hơn ai hết, Cường hiểu nỗi đau và tâm lý của người khuyết tật – những người mà Cường kiêu hãnh gọi là “người đặc biệt”.
Tình yêu thương và thông cảm với người khuyết tật như là máu chảy trong huyết quản của cậu ấy. Cường sẵn sàng đi xa đến bất cứ đâu, gõ bất cứ cánh cửa nào, để bảo vệ quyền lợi người khuyết tật, để giúp đỡ thêm một mảnh đời, để chào hàng cho Vụn. Những gian khổ của Cường và những người khuyết tật đã được bù đắp. Sản phẩm của Vụn đã được Thành phố Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu, đại diện cho thương hiệu quốc gia.
Tôi gặp Cường lần đầu tiên khi CLB Doanh nhân Sáng tạo tổ chức một hội nghị về doanh nghiệp sáng tạo xã hội, và ấn tượng ngay bởi cái triết lý “chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật”. Cường là người đưa tôi đến với Kym Việt, khi ấy còn là một cái xưởng bé xíu, sản xuất thú nhồi cát, với 100% người thợ là câm điếc. Cường là một trong 4 sáng lập viên của Kym Việt, mà 3 người đều ngồi xe lăn. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên còn đóng trong cái chái nhà của cô bé Thuý Ngọc, người duy nhất không khuyết tật ở xưởng, thì họ đã theo đuổi một nguyên tắc đầy nhân văn: “Nếu khách hàng mua sản phẩm của chúng ta vì lòng thương hại thì họ chỉ mua một lần. Nếu khách hàng mua vì chất lượng thì họ sẽ mua mãi mãi”.
Có bạn ở VTV6 muốn làm phóng sự về Cường, cho chương trình “Dám sống”. Tôi nói với bạn ấy: Với Cường, phải nói là “dám làm người tốt”. Người tốt thì không chết được đâu, Cường ạ. Hãy giữ mãi nụ cười lạc quan này!