Giới thiệu về anh Lê Quốc Vinh và những ủng hộ, quan điểm của anh đối với mô hình kinh doanh của Vụn Art

Là người có tầm ảnh hưởng đồng thời trên hai lĩnh vực kinh doanh và truyền thông, anh Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation, luôn quan tâm và ủng hộ những quan điểm và dự án sáng tạo đa lĩnh vực. Thật tuyệt khi VỤN Art có cơ hội tiếp xúc và nhận được những góp ý tích cực từ anh về mô hình dự án của mình.
Lê Quốc Vinh hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation

Từng trải qua hai nghề nhà báo và doanh nhân, Lê Quốc Vinh cho rằng, kinh doanh rất khốc liệt. “Nghề báo là đi làm thuê. Người viết có trách nhiệm với ngòi bút, với sản phẩm mình làm ra. Còn làm kinh doanh, trách nhiệm còn cao hơn cả, với gia đình và với những người cộng sự”, anh chia sẻ.

Nhà báo Lê Quốc Vinh hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – (Tập đoàn Truyền thông Lê) với 3 công ty thành viên gồm: Công ty Le Media, Công ty Le Bros, và Công ty Vietnam CEO Corporation. Cả 3 công ty đều được đánh giá là những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, truyền thông, marketing, quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện. Ông Lê Quốc Vinh cũng là thành viên sáng lập và thành viên HĐQT của Công ty Fansipan Media Corporation, chủ đầu tư và điều hành trực tiếp kênh truyền hình Giải Trí TV.

Khi đã là người có tầm ảnh hưởng nhất định, anh Vinh quan tâm nhiều hơn tới việc truyền lửa và hy vọng những kinh nghiệm của bản thân có thể giúp ích cho thế hệ trẻ tiếp theo. Anh nhận lời mời làm diễn giả trong các Talkshow của các trường Đại học, thậm chí là lên lớp để tiếp xúc trực tiếp với các sinh viên trong trường. Một số trường anh thường được thỉnh giảng là Học viện Báo chí Tuyên truyền (AJC), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) và trường RMIT. Bên cạnh đó, anh cũng là đồng sáng lập trường PR Elite School, một đơn vị đào tạo ngành quan hệ công chúng được thành lập đầu năm
2014. Tháng 12/2015, nhà báo Lê Quốc Vinh được trường Đại học RMIT trao tặng bằng Tiến sỹ Danh dự vì những đóng góp của ông cho chương trình đào tạo cử nhân truyền thông của RMIT cũng như những cống hiến của ông cho ngành truyền thông và quan hệ công chúng Việt Nam.

Anh Lê Quốc Vinh và quan điểm: “Làng lụa Vạn Phúc chưa bao giờ chết”
Vẫn biết Hà Nội nổi tiếng với các làng nghề cổ, trong đó có làng Lụa Vạn Phúc. Nhưng nếu không phải là người quan tâm tới lụa, không có niềm yêu thích đặc biệt về lụa thì chỉ nghĩ đó là một làng cổ lâu đời có giá trị văn hóa mà không biết rằng, giá trị này đang dần mai một đi. Còn đâu những cánh đồng dập dìu những dải lụa mới nhuộm, còn đâu tiếng khung cửi kẽo kẹt đêm ngày khi chỉ còn vài gia đình nghệ nhân còn sót lại trong làng. Khách du lịch biết tới Vạn Phúc nhưng hầu như không biết tới vài mươi nóc nhà còn giữ lại được chút nghề gia bảo này. Thương hiệu lụa Vạn Phúc cứ dần mai một như một ký ức đẹp về một nơi từng rực rỡ dải lụa màu.

Lụa Vạn Phúc có đang chết dần?
Câu trả lời là “Không”. Tín hiệu đáng mừng đầu tiên là từ sự ra đời của VỤN Art. Xin phép được trích một đoạn nhỏ trong chia sẻ của anh Lê Quốc Vinh về VỤN Art: “Các bạn có thể tưởng tượng đây là tranh ghép vải do những người khuyết tật làm ra không? Mỗi bức tranh là một sự sáng tạo riêng hoàn toàn, từ sự tung tẩy của màu sắc và chi tiết, sự tỉ mẩn chăm chút từng mảnh vải lụa tí xíu, những đoạn chỉ li ti … đều do những người câm điếc, tự kỷ hoặc thiểu năng trí tuệ tự tay làm ra.”
Tranh ghép vải không chỉ mở ra ánh sáng cho những người khuyết tật, nó còn là động lực để vực dậy thời vàng son cho làng Lụa Vạn Phúc ngay trong cuộc sống ngày nay

Tranh của VỤN đa dạng về chủ đề lắm, từ tranh dân gian cho tới cảnh vật… và được các chuyên gia cố vấn như họa sĩ Đặng Thị Khuê chuyển thế, dạy lại cho những người thợ khuyết tật. Phần “lên màu” được hoàn thiện hoàn toàn nhờ trí tưởng tượng và óc thẩm mỹ của người làm. Đó là những người khuyết tật hiện đang tham gia học và làm việc tại hợp tác xã VỤN Art, nằm trong trung tâm bảo tồn làng nghề Vạn Phúc. Có thể ngoài kia họ từng bị từ chối vì khiếm khuyết, vì năng lực không đáp ứng được nhu cầu nhưng ở đây, họ được chào đón. Bởi đâu ai khiếm khuyết về sáng tạo, về trí tưởng tượng và một tâm hồn giàu màu sắc đâu

Tranh ghép của VỤN nhất định phải là lụa tơ tằm truyền thống, dù chúng chỉ là những đầu thừa đuôi thẹo vốn để bỏ đi sau khi cắt may sản phẩm. Tranh của VỤN giá trị lắm. Không chỉ là bức tranh đẹp, cầm nắm được mà nó còn là công sức, sự nỗ lực để chứng minh giá trị bản thân của những người thợ, và nỗ lực chứng minh giá trị lụa truyền thống trước khi nó mai một. VỤN Art ra đời cũng góp phần nào vào việc truyền thông thương hiệu lụa Vạn Phúc, không chỉ là một nét văn hóa mà còn cả chất lượng sản phẩm đang nỗ lực hòa mình vào nhu cầu người dùng hiện đại Liên tiếp mở những buổi trải nghiệm tranh ghép vải, tìm hiểu về văn hóa làng lụa Vạn Phúc, tìm hiểu nghề dệt lâu đời của Việt Nam… Đây đều là những tín hiệu đáng mừng cho VỤN Art về những nỗ lực tuyệt vời của mình.

Không chỉ khách du lịch mà các gia đình, bạn trẻ cũng quan tâm đến dự án và tích cực tham gia các hoạt động ý nghĩa

“Làng lụa Vạn Phúc chưa bao giờ chết” – Lời khẳng định của anh Lê Quốc Vinh cũng là thông điệp mà VỤN Art muốn gửi gắm qua từng chặng đường đi của mình. Những giá trị văn hóa truyền thống sẽ không dễ dàng mất đi như thế, trách nhiệm của mỗi chúng ta là góp sức gây dựng lại, như công việc mà Vụn Art vẫn miệt mài theo đuổi mỗi ngày này.