Người thầy của Vụn Art
26/04/2022
Người thầy của Vụn Art - làng lụa Vạn Phúc.
Làng Lụa Vạn Phúc được xây dựng chuyên nghiệp, đẹp mắt để đón khách du lịch. Ấn tượng về nơi này với tôi có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ đây là một trung tâm để bán lụa là chính, cho đến khi tôi đi đến cuối con đường, nơi ghi: Khu bảo tồn và phát triển Nghề Lụa.
Khu vực này được tách biệt với phần còn lại bởi 1 hồ cá, có cầu bắc qua. Thoạt tiên bước vào trong, tôi vẫn chỉ thấy các cửa hàng lụa san sát, có thêm 1 phòng trưng bày dụng cụ làm lụa, ngoài ra còn có 1 căn phòng kính trong đó có các bạn trẻ có vẻ như đang ngồi làm thủ công (tôi đoán đây là nơi diễn ra hoạt động trải nghiệm gì đó của làng lụa). Khi chuẩn bị ra về, tôi quyết định vào căn phòng kính đó xem các bạn trẻ đang làm gì. Và quyết định này đã giúp tôi biết đến một câu chuyện ý nghĩa.
Mới bước vào, tôi thấy một không khí vừa vui tươi vừa tập trung của các bạn trẻ. Người đón tiếp trò chuyện với tôi là chú Hoàng - người mà các bạn ấy gọi là thầy một cách kính trọng. Cảm nhận ban đầu của tôi về chú, là sự từ tốn nơi giọng nói, sự cẩn thận, tận tâm khi chú nhẹ nhàng nhấc từng sản phẩm mà các học trò đặc biệt của chú đã làm lên để giới thiệu với tôi, mà không hề có sự khoa trương hay phô diễn. Hoá ra căn phòng bằng kính đó không phải là nơi tổ chức hoạt động trải nghiệm của làng lụa, mà là nơi làm việc của một hợp tác xã nhỏ có tên là "Vụn art". Ở đây, vải lụa vụn được thu thập từ các cửa hàng/ nhà may để tận dụng, làm ra các bức tranh nghệ thuật, những sản phẩm như túi, ví, khẩu trang... Đặc biệt, người tạo ra những sản phẩm này là các bạn nhỏ bị bệnh không thể tìm việc làm phổ thông và các bạn khuyết tật.
Tôi hơi bất ngờ khi chú Hoàng giới thiệu với tôi về các bạn trẻ làm ở đó. Những bạn trẻ đang vô tư cười và trêu nhau khi tôi mới bước vào kia hoá ra là những bạn bị chứng tăng động/ tự kỉ/ thiểu năng trí tuệ/ câm/ điếc/ mắc chứng down. Khi chưa được nghe chuyện, thì tôi chỉ có thể nhận biết 1 bạn bị down, còn các bạn trẻ khác thì thần thái, ánh mắt (với các bạn đeo khẩu trang) đều như những thanh niên bình thường có đủ năng lực lao động. Nhìn các tác phẩm của họ, tôi rất thích thú và có phần ngưỡng mộ. Tùy từng trình độ, các sản phẩm đều thể hiện sự khéo léo. Nhiều sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao.
Sau khi giới thiệu về Vụn art với tôi xong, khi biết đây là lần đầu tôi tới tham quan làng lụa, chú Hoàng nhiệt tình dẫn tôi đi sâu vào trong làng, đến thăm ngôi nhà nơi mà bác Hồ đã từng trú ẩn và viết "lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Trên đường đi, chú kể về những khó khăn, nhọc nhằn khi cầm tay chỉ việc cho các bạn nhỏ học nghề. Chú nhắc đi nhắc lại: "Khó lắm cháu ạ, khó lắm! Mỗi bạn lại có 1 vấn đề riêng, và phải có lòng đồng cảm thì mới dạy được các bạn ấy!". Dạy một đứa trẻ khoẻ mạnh còn khó, dạy trẻ khiếm khuyết năng lực nhận thức còn khó gấp bội phần. Chú kể, chú phải rất kiên nhẫn, có lúc thì nhẹ nhàng, có lúc phải hài hước, có lúc phải nghiêm khắc - "phải có kỷ luật, không là hỏng hết không được việc gì cả"... Với mỗi bạn, chú lại có cách thức riêng để chăm sóc, động viên, ví dụ với trẻ tăng động, chú biết khi nào cần cho các bạn ra sân vận động, vận động như thế nào. Khi dạy học, chú thường nói đùa dí dỏm - "chứ cứ ngồi làm suốt thế mà không có lúc cười vui thì đến chú cũng phải tự kỉ ấy chứ!". Chú biết lúc nào cần khen, chê - "các bạn ấy có lòng tự trọng lắm nhé! Khi làm sai là biết quan sát cái nhìn của người khác mà sửa mình đấy!". Tôi bảo chú, đó là chú đã biết khéo léo nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự lành mạnh nơi tâm trí các bạn ấy, các bạn ấy thật may mắn khi được chú chỉ dạy. Quãng đường ngắn mà câu chuyện giữa chúng tôi - về con đường xây dựng Vụn Art và vun vén cho các thanh thiếu niên kém may mắn - thì sâu sắc và đầy tâm huyết. Chú chưa từng đi qua một trường lớp giáo dục nào, nhưng vì thực sự quan tâm đến trẻ, mà chú đã giáo dục được những đối tượng khó giáo dục nhất. Qua cuộc trò chuyện, tôi thấy ở chú là phẩm chất của một nhà giáo chân chính: tận tụy, nhân ái và sáng suốt.
Cách mà chú giới thiệu với tôi về lịch sử nơi Bác viết " lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" cũng khiến tôi cảm thấy nơi chú sự tận tâm. Chú kiên nhẫn đợi tôi đọc những dòng ghi chú, đợi tôi chụp ảnh, giới thiệu cặn kẽ với tôi những gì chú biết về di tích này. Cảm giác nơi tôi khi đi với chú chẳng hề xa lạ, mà đã gần gũi từ khi nào.
Thật quý biết bao trong xã hội xô bồ này vẫn có những người như chú Hoàng, lặng lẽ sống như một tấm gương sáng, tận tụy giáo dục và truyền cảm hứng cho con người. Hiện nay trung tâm của chú có khoảng hơn 20 bạn đang làm việc, được chú đồng hành và hướng dẫn hàng ngày.