NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA DI SẢN VIỆT NAM TRẢI NGHIỆM TẠI VỤN ART

Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage – FVH) là tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội. FVH quy tụ đội ngũ tình nguyện viên đông đảo đến từ nhiều quốc gia, hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Ngày 10/4/2021, FVH đã có một buổi trải nghiệm thú vị tại Vụn Art. Dẫn đầu đoàn trải nghiệm gồm 14 người là chị Stella Ciorra – Phó chủ tịch FVH – một người phụ nữ Anh nặng lòng với Việt Nam.

Chị từng tâm sự “Việt Nam chính là tương lai của tôi. Tôi muốn sống ở đây mãi mãi”, chị đã đi tới rất nhiều nơi trên mảnh đất nhỏ bé này và mỗi nơi đến lại cho chị một ấn tượng sâu sắc. 25 năm trước, người phụ nữ này đã “đánh rơi trái tim” tại Hà Nội để rồi năm 2009 chị quyết định chuyển tới Việt Nam sinh sống. Yêu văn hóa, yêu con người Việt Nam, chị và những người bạn muốn bảo tồn, quảng bá những di sản của mảnh đất hình chữ S này tới bạn bè quốc tế. Khu Bảo tồn văn hóa làng lụa Vạn Phúc và Vụn Art là nơi chị và những người bạn muốn tới.

Tuy nằm trong chuỗi hoạt động thường niên của FVH nhưng cả đoàn đều ngạc nhiên khi tới ngôi làng nghề truyền thống bên dòng Nhuệ Giang. Cách thủ đô không xa nhưng ở làng lụa, những kiến trúc đình, chùa, những ngôi nhà lưu niệm, “cây đa, bến nước, sân đình” đều gợi về những ngôi làng xưa của Vịnh Bắc Bộ khiến những người bạn FVH say sưa khám phá. Và đặc biệt nằm trong ngôi làng ấy là Vụn Art – nơi những người khuyết tật đang hàng ngày hăng say lao động, thổi hồn vào lụa để bảo tồn văn hóa truyền thống, đưa sản phẩmtới tay khách hàng và tới tay bạn bè quốc tế.

Thích thú và ngạc nhiên, những người bạn FVH lại được chính những người khuyết tật nơi đây hướng dẫn làm túi, ví, tạo hình những bộ kit ghép tranh bằng những mảnh lụa vụn, điều họ chưa gặp ở đâu trên đất nước Việt Nam này. Những miếng lụa vụn tưởng chừng bỏ đi nhưng khi được khéo léo cắt, dán lên sản phẩm nó lại sinh động, đẹp mắt vô cùng. Họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy những chiếc áo phông, áo dài truyền thống được ghép lụa với độ tinh xảo cao. Một thành viên trong nhóm thích thú khi chính tay mình hoàn thành chiếc túi Chú bé chăn trâu thổi sáo, ngắm nghía nó anh nở nụ cười thật tươi, một bức tranh dân gian vô cùng sống động trên một chiếc túi hiện đại, thân thiện môi trường. Một chị khác tỉ mỉ với túi Cô gái tóc mây, trải nghiệm và tận tay thực hiện mới hiểu sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ tại Vụn, phải tập trung cao độ mới cho ra những sản phẩm đẹp mắt đến thế, họ thật sự bị thuyết phục bởi những sản phẩm đẹp mắt, không ngờ nó lại được làm ra bởi bàn tay của những người khuyết tật
Những người bạn của di sản Việt Nam đi thăm những di tích của làng lụa Vạn Phúc, thăm những công đoạn tạo nên những tấm lụa đầy màu sắc, họ rất thích thú bởi biết thêm nhiều nét văn hóa của ngôi làng nghề truyền thống, của Hà Nội. Và đặc biệt, ở đây họ còn được nghe anh Lê Việt Cường – giám đốc Vụn Art – chia sẻ những câu chuyện về Vụn, về sản phẩm và con người của Vụn, họ khâm phục vô cùng. Chia tay nhau mọi người còn lưu luyến và những người bạn ấy hứa sẽ quay trở lại làng lụa, quay trở lại Vụn Art không chỉ vì công việc, nhiệm vụ mà còn bởi tình yêu với nơi này, với những con người của Vụn, tàn nhưng không phế và chắc chắn một điều, lụa Vạn Phúc và Vụn Art sẽ được FVH giới thiệu tới nhiều bạn bè quốc tế hơn nữa.