Thiên lý hữu tình: Tìm kiếm 'mảnh ghép' để hoàn thiện cuộc đời
19/08/2021
Thiên lý hữu tình: Tìm kiếm 'mảnh ghép' để hoàn thiện cuộc đời
Có những con người mới sinh ra đã kém may mắn hơn người khác khi khiếm khuyết một bộ phận nào đó. Nhưng vượt bằng nghị lực, tình yêu cuộc sống, họ đã vươn lên, khẳng định bản thân với cộng đồng và sẻ chia khó khăn với những người cùng cảnh ngộ.
Nhân vật mà tôi nhắc đến trong chuyên mục Thiên lý hữu tình ngày hôm nay là một người đàn ông khuyết tật vận động, anh Lê Việt Cường- Giám đốc Hợp tác xã Vụn (hay còn gọi là Vụn Art). Anh là người đã truyền cảm hứng và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 người khuyết tật khác. Vụn Art cũng được UNESCO công nhận là mô hình sáng tạo bền vững và cung cấp hơn 50.000 sản phẩm độc đáo ra thị trường trong 4 năm vừa qua.
Với những ai chưa biết, Vụn Art là xưởng sản xuất sản phẩm thủ công của người khuyết tật, với sản phẩm chính là tranh ghép vải lấy cảm hứng từ tranh dân gian. Qua thời gian tự tìm tòi và nghiên cứu, giờ đây Vụn Art sản xuất thêm áo thun, túi tote, ví và nhiều thứ khác. Đặc biệt, nguyên liệu của Vụn chủ yếu là từ những mảnh lụa Vạn Phúc tưởng chừng như không còn giá trị.
Nói về cơ duyên với Vụn Art, anh Lê Việt Cường tâm sự, căn bệnh bại liệt năm 1 tuổi đã khiến anh trở thành một người khuyết tật. Cũng bởi lý do đó, anh rất đồng cảm với những khó khăn của họ, nhất là trong câu chuyện tìm việc làm.
Anh Cường trải lòng, để quy tụ hơn 20 con người khuyết tật về cùng làm việc là điều không hề dễ dàng. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh Cường- một người khuyết tật vận động đã phải đi khắp 17 phường của quận Hà Đông để tìm người khuyết tật, vận động họ tham gia lớp học, hoà nhập với cuộc sống. Mặc dù hợp tác xã chưa có đầu ra, anh vẫn cố gắng đảm bảo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho từng người, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc.
Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng ủng hộ. Trong quá trình kêu gọi người lao động, anh thường xuyên nhận lại những ánh nhìn ái ngại, những cái xua tay. Bởi người ta nghĩ, nuôi người khuyết tật là nuôi báo cô, là “không làm được việc gì”.
Rồi việc dạy nghề cho người khuyết tật cũng gặp không ít gian nan. Để làm ra những tác phẩm nghệ thuật, với người bình thường đã khó, với người khó khăn về vận động, nghe nhìn hay hạn chế về nhận thức càng khó khăn hơn.
Đó còn chưa kể, nhiều học viên khi đến với Vụn Art còn thu mình, thiếu nhiều kỹ năng sống thậm chí là mặc cảm, tự ti…
Có những trường hợp dạy nghề tới 4 năm không cắt nổi một hình tròn, đó là thực tế. Cũng có không ít trường hợp người khuyết tật đến học nghề và bỏ việc…
Thế nhưng, sau tất cả, anh Cường đã giúp những người khuyết tật tại Vụn Art có thể khẳng định được bản thân mình. Họ đã thay đổi suy nghĩ, theo hướng tích cực hơn. Họ có một việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân, họ thấy mình đẹp hơn và tự tin hơn…
Trò chuyện với PV VOV Giao thông, Đinh Văn Thành- chàng trai 22 tuổi, chỉ sau 1 năm, gần như đã biến thành một người khác khi tới Vụn Art:
PV: Bạn đã thay đổi như thế nào sau khi đến với Vụn Art?
Bạn Đinh Văn Thành: Em ở nhà cũng khá nhút nhát, không đi đâu. Lúc đầu đến đây, em hơi bỡ ngỡ, còn nhiều khó khăn nhưng mọi người trợ giúp nên em cũng vượt qua được. Em trợ giúp mọi người, cắt vải, làm túi, làm áo…
Chú Cường chỉ dẫn em làm từng bước một, hướng dẫn mọi người học tập, còn hỗ trợ tiền lương cho em nữa. Lúc đầu hơi khó khăn nhưng với tiền lương ở đây thì em có thể xoay sở mọi thứ.
Bây giờ em có niềm tin vào cuộc sống nên hoà đồng với mọi người để làm việc tốt hơn
Ở đây không có gì là khó khăn cả, cố gắng là làm được. Mọi người thấy em thay đổi thế này cũng vui, chúc mừng em và cổ vũ cho em tiến bộ hơn.
Chia sẻ về những sản phẩm mà Vụn Art đã cung cấp ra thị trường, anh Cường không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào trên khuôn mặt. Anh kể, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy các sản phẩm của Vụn Art. Không ai nghĩ đấy là lụa ghép túi vải, lên áo phông, hay thậm chí là một bức tranh hoàn chỉnh. Và điều đặc biệt hơn là tác phẩm bằng lụa ấy có thể giặt được bình thường.
Mặc dù vậy, đầu ra sản phẩm vẫn là bài toán nan giải với anh. Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Anh Cường đã phải mang tranh đi "chào hàng" trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách... quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề.
Dần dần, những sản phẩm này mới được biết đến nhiều hơn, những người làm bắt đầu có thu nhập ổn định hơn. Đến nay, hợp tác xã của anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, để có thể giới thiệu nhiều hơn những sản phẩm của Vụn Art tới mọi người, anh đã phát triển các hoạt động gắn với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép.
Những khách du lịch đến đây, nhất là du khách quốc tế tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm và phương thức sản xuất này, họ đánh giá cao một mô hình doanh nghiệp xã hội của Vụn Art - giải quyết được vấn đề việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Vụn Art cũng được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về phát triển việc làm cho nhóm người yếu thế. Vụn Art cũng đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng.
Nhìn lại hành trình của anh Lê Việt Cường, từ khó khăn trong những ngày đầu tiên để kiếm tìm một công việc phù hợp tới khi đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 người yếu thế, giúp họ thay đổi suy nghĩ, khẳng định được bản thân. Có lẽ, điều kiện quan trọng nhất trong cuộc sống này là chúng ta có thể tự mình cởi bỏ mặc cảm, khiếm khuyết, tự tạo cho mình những cơ hội và không ngừng nỗ lực, cố gắng dù gặp phải khó khăn, cản trở.
Thục Anh